Bản tin kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tháng 9 năm 2024
2024-10-04 16:18:00.0
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản Thái Nguyên thông tin kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tháng 9 năm 2024 và một số khuyến cáo nhằm kiểm soát biến động môi trường, hạn chế dịch bệnh cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
1. Kết quả phân tích môi trường nước, vi khuẩn trong nước, chỉ số chất lượng nước cho nuôi trồng thuỷ sản (AWQI)
1.1. Kết quả phân tích các yếu tố môi trường nước:
a) Đối với các nguồn nước cấp:
- Nguồn nước kênh chính Núi Cốc, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên (Đ2): Tất cả các chỉ tiêu phân tích đều có giá trị nằm trong ngưỡng giá trị giới hạn.
- Nguồn nước Kênh đào Phú Bình, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình (Đ3): Tất cả các chỉ tiêu phân tích đều có giá trị nằm trong ngưỡng giá trị giới hạn.
b) Đối với ao nuôi: Trại cá giống Hòa Sơn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình (Đ4): tất cả các chỉ tiêu phân tích đều có giá trị nằm trong ngưỡng giá trị giới hạn. Khu nuôi thủy sản thương phẩm, phường Lương Sơn, thành phố Sông Công (Đ5): có 3 chỉ tiêu có giá trị nằm ngoài ngưỡng giá trị giới hạn bao gồm: DO có hàm lượng thấp hơn ngưỡng giá trị giới hạn 1,46 lần, NH4+ và Tổng N có giá trị cao hơn ngưỡng giá trị giới hạn lần lượt là 1,87 lần và 1,88 lần. Các chỉ tiêu còn lại có giá trị nằm trong ngưỡng giá trị giới hạn (Mặc dù hai chỉ tiêu môi trường NH4+, tổng N có kết quả quan trắc vượt ngưỡng giá trị giới hạn nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường nước cũng như sức khoẻ của thuỷ sản nuôi).
c) Đối với nuôi cá lồng: Kết quả phân tích cho thấy các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, DO, pH, Độ đục, BOD5, COD, N-NH4+, N-NO2-, N-NO3-, Tổng N, P-PO43-, Tổng P, TSS, SO42-, Cu, Pb, Zn, Cd, As, Hg, Mn, và Fe đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép.
(Ảnh 1: lấy mẫu tại nguồn nước cấp kênh Đào – Phú Bình)
1.2. Kết quả phân tích vi khuẩn trong nước:
- Mật độ vi khuẩn tổng số dao động từ 680 – 2100 CFU/mL. Mật độ vi khuẩn tổng số có giá trị trong ngưỡng giá trị giới hạn theo TCVN 13952:2024.
- Phát hiện vi khuẩn A. hydrophila trong nước thu tại điểm trại cá giống Hòa Sơn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình (Đ4). Không phát hiện vi khuẩn Aeromonas spp trong nước thu tại Hợp tác xã nông, lâm, thủy sản Đại Từ, Thái Nguyên (Đ1), nguồn nước kênh chính Núi Cốc, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên (Đ2), nguồn nước Kênh đào Phú Bình, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình (Đ3) và khu nuôi thủy sản thương phẩm, phường Lương Sơn, thành phố Sông Công (Đ5).
- Phát hiện vi khuẩn S. agalactiae trong nước thu tại điểm khu nuôi thủy sản thương phẩm, phường Lương Sơn, thành phố Sông Công (Đ5). Không phát hiện vi khuẩn Streptococcus spp trong các mẫu nước đã thu tại các điểm quan trắc Hợp tác xã nông, lâm, thủy sản Đại Từ, Thái Nguyên (Đ1), nguồn nước kênh chính Núi Cốc, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên (Đ2), nguồn nước Kênh đào Phú Bình, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình (Đ3) và trại cá giống Hòa Sơn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình (Đ4)
1.3. Chỉ số chất lượng nước cho nuôi trồng thuỷ sản (AWQI):
Kết quả phân tích Chỉ số chất lượng nước cho nuôi trồng thuỷ sản (AWQI) cho thấy 04 điểm có chất lượng nước rất tốt là Hợp tác xã nông, lâm, thủy sản Đại Từ, Thái Nguyên (Đ1), Nguồn nước kênh chính Núi Cốc, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên và Trại cá giống Hòa Sơn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình (Đ2), Nguồn nước Kênh đào Phú Bình, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình (Đ3) và Trại cá giống Hòa Sơn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình (Đ4). 01 điểm có chất lượng nước kém là Khu nuôi thủy sản thương phẩm, phường Lương Sơn, thành phố Sông Công (Đ5).
(Ảnh 2: Lấy mẫu tại Khu nuôi cá lồng trên Hồ Núi Cốc)
2. Khuyến cáo
- Đối với Khu nuôi thủy sản thương phẩm, phường Lương Sơn, thành phố Sông Công (Đ5) có hàm lượng oxy thấp, NH4+ cao, Tổng N cao cần tăng cường quạt khí, đặc biệt vào thời điểm sáng sớm. Đồng thời cần kiểm soát lượng thức ăn tránh dư thừa, hạn chế nguồn chất thải hữu cơ chảy vào ao nhằm giảm ô nhiễm hữu cơ, duy trì pH trong khoảng phù hợp (6,6 – 8,5) để hạn chế sự chuyển hóa N-NH4+ thành NH3 gây độc cho cá.
- Đối với các điểm quan trắc có phát hiện vi khuẩn Aeromonas spp. (Đ4) và vi khuẩn Streptococcus spp. (Đ5): Các cơ sở nuôi cần định kỳ xử lý diệt khuẩn nước nuôi bằng các sản phẩm có bán sẵn trên thị trường (Iodine, Chlorine….), liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
- Trước khi tiến hành cấp vào khu vực ao nuôi cần tiền hành lấy vào ao chứa và tiến hành xử lý diệt khuẩn, diệt tạp tránh trường hợp lây nhiễm mầm bệnh cho đối tượng thủy sản đang nuôi.
Hiện nay thời tiết đang ở giai đoạn chuyển mùa, cần tiến hành các giải pháp sau đây để nâng cao chất lượng nước và đảm bảo sự phát triển của cá:
- Theo dõi chất lượng nước thường xuyên: Kiểm tra các thông số như pH, nhiệt độ, oxy hòa tan. Điều chỉnh kịp thời khi phát hiện bất thường để đảm bảo môi trường nước ổn định, giúp cá giảm stress.
- Tăng cường sục khí cho ao/lồng nuôi: Vào giai đoạn giao mùa, nhiệt độ có thể thay đổi đột ngột, làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước. Cần tăng cường chạy hệ thống sục khí hoặc quạt nước để cung cấp đủ oxy, đặc biệt vào sáng sớm.
- Quản lý thức ăn hợp lý: Điều chỉnh lượng thức ăn theo nhu cầu thực tế của cá và điều kiện thời tiết, tránh dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nước. Kiểm tra chất lượng thức ăn và bảo quản tốt để không bị ẩm mốc.
- Tăng cường quản lý vệ sinh ao/lồng nuôi: Thường xuyên vớt bỏ lá cây rụng, cá chết, để hạn chế ô nhiễm và sự phát triển của vi khuẩn có hại. Hạn chế tối đa việc phân thải và nước rửa chuồng trại chăn nuôi chảy vào ao nuôi để tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
- Khử trùng dụng cụ nuôi: Các dụng cụ sử dụng trong hệ thống nuôi cá cần được khử trùng cẩn thận và sử dụng riêng biệt cho từng ao/lồng nuôi để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh.
- Tổ chức thực hiện nuôi trồng thủy sản đúng quy trình kỹ thuật như: Thả giống đảm bảo chất lượng, không có mầm bệnh, cho ăn đủ lượng và chất, quản lý môi trường ao nuôi. Tuân thủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản và các đơn vị khác có liên quan...
Tin và Ảnh: Chu Huy Tuấn - phòng Thuỷ sản, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản