Đánh giá tình hình nhiễm ký sinh trùng đường máu ở các loài gia súc nhai lại và đề xuất các biện pháp phòng, trị bệnh
2023-12-22 16:28:00.0
Bệnh ký sinh trùng đường máu gây bởi loài đơn bào Anaplasma spp. ký sinh trong hồng cầu của vật chủ, bao gồm các loài động vật nhai lại, chủ yếu là trâu, bò và dê, ngựa,…Bệnh truyền lây bởi các loài ký chủ chân đốt, làm giảm tốc độ sinh trưởng, giảm sản lượng thịt và sữa hoặc gây chết đối với vật nuôi bị nhiễm bệnh. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), bệnh ký sinh trùng đường máu gây ảnh hưởng đến 80% số lượng bò trên thế giới và gây thiệt hại kinh tế khoảng 7,3 USD/đầu bò/năm. Ngoài ra, một số loài Anaplasma đã được xác định có khả năng truyền lây sang người, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
Để có thêm số liệu về sự lưu hành và các yếu tố nguy cơ liên quan đến sự lưu hành của Anaplasma spp. phục vụ cho việc phòng bệnh chủ động, góp phần giảm thiểu tối đa tác hại của bệnh gây ra đối với sức khoẻ đàn gia súc và sức khoẻ cộng đồng. Trong 2 năm 2022 – 2023, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên đã phối hợp với nhóm tác giả thuộc Viện Thú y, Học viện nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học y Hà Nội, và một số cơ quan chuyên môn các tỉnh, thành phố miền Bắc cùng tham gia nghiên cứu nội dung “Sự lưu hành và yếu tố nguy cơ liên quan của Anaplasma spp. trên một số loài vật nuôi tại miền Bắc Việt Nam” nhằm đánh giá sự lưu hành của Anaplasma spp. và đề xuất các biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia súc.
Về nội dung nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là loài ký sinh trùng đường máu Anaplasma trên các loài vật nuôi trâu, bò, dê, ngựa. Tại tỉnh Thái Nguyên, tiến hành thu thập mẫu máu trên trâu, bò, dê, ngựa ở các địa phương: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và Võ Nhai.
Về phương pháp nghiêncứu: Nhóm tác giả sử dụng các phương pháp như: điều tra cắt ngang, thu thập mẫu máu, chẩn đoán PCR và phân tích kết quả.
Trong giai đoạn 2022 – 2023, nhóm tác giả đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương các cấp, đến tháng 10/2023 đề tài nghiên cứu đã thu được những kết quả khả quan.
Đã thu thập 600 mẫu máu chống đông của các loài vật nuôi trâu, bò, dê và ngựa từ 200 hộ chăn nuôi và trang trại tại thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Sơn La. Ở tỉnh Thái Nguyên lấy 200 mẫu, 81 hộ tại 04 huyện Định Hoá, Đại Từ, Võ Nhai và huyện Phú Lương.
Giới tính của các loài vật nuôi được lấy mẫu chủ yếu là cái, do mục đích chăn nuôi của người dân chủ yếu hướng đến chăn nuôi vật nuôi sinh sản để phát triển kinh tế và phần lớn (70%) số vật nuôi đang trong độ tuổi sinh sản tốt (nhóm tuổi 1 - 5 tuổi).
(Ảnh: Lấy mẫu trên đàn bò tại huyện Võ Nhai – tháng 4/2023)
Về tỷ lệ lưu hành Anaplasma spp.
Các mẫu máu thu thập đã được chẩn đoán phát hiện loài ký sinh trùng đường máu Anaplasma bằng phương pháp nhân gen nested PCR để xác định tỉ lệ lưu hành. Qua đó cho thấy, Anaplasma spp. lưu hành trên tất cả các loài vật nuôi: Trâu, bò, dê, ngựa với tỉ lệ lưu hành rất cao 44,7%. Trong đó, tỉ lệ lưu hành Anaplasma spp. cao nhất ở bò (73,3%) và cao nhất ở các loài vật chủ có giới tính là cái (49,8%).
Sự lưu hành Anaplasma spp. không có sự khác biệt giữa các tỉnh/thành và giữa các nhóm tuổi.
Trong nghiên cứu này, thu thập mẫu được thu thập nhiều nhất vào mùa hè là mùa lưu hành cao nhất của mầm bệnh và ký chủ trung gian là các loài côn trùng chân đốt.
Từ những kết quả nghiên cứu nêu trên, nhóm tác giả đi đến kết luận: Loài Anaplasma lưu hành ở tất cả các loài vật nuôi trâu, bò, dê và ngựa ở mức rất cao 44,7% ; lưu hành cao nhất ở bò (73,3%) và ở các loài vật nuôi có giới tính là cái (49,8%). Tại Thái Nguyên tỷ lệ nhiễm cung các loài là 43%, trong đó bò là loài có tỷ lệ nhiễm cao nhất (73,2%)
Qua đó, để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi trâu, bò, dê, ngựa, chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi cần chú trọng phòng, trị bệnh ký sinh trùng đường máu do loài Anaplasma gây ra. Trong đó chú trọng phòng bệnh đối với loài vật nuôi là bò bị mắc tỷ lệ cao nhất trong các loài; giới tính động vật cái mắc với tỷ lệ cao hơn; mùa lưu hành bệnh với tỷ lệ cao trong năm là mùa hè. Biện pháp cụ thể như sau:
- Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi và phương tiện chăn nuôi thường xuyên. Thực hiện phát quang bụi rậm, lấp vũng nước, khơi thông cống rãnh, bãi chăn để côn trùng không có nơi lưu trú và phát triển. Phun các sản phẩm thuốc tiêu diệt côn trùng ở quanh chuồng trại theo định kỳ.
- Tăng cường nuôi dưỡng, chăm sóc tốt cho bò trong thời điểm giao mùa để nâng cao sức đề kháng. Đảm bảo thức ăn dinh dưỡng, nước uống sạch cho vật nuôi trong thời gian mùa đông.
- Nếu có thể, người chăn nuôi nên tiến hành kiểm tra máu định kỳ 4-6 tháng/lần, để phát hiện tác nhân gây bệnh. Đồng thời định kỳ sử dụng thuốc trị ký sinh trùng đường máu cho đàn vật nuôi./.
Tin và Ảnh: Mai Tuấn Anh - Phòng QLDB, Chi cục CNTYTS