Cô tôi nuôi gia đình từ chè Thái Nguyên
2025-05-12 18:15:00.0
Những đồi chè bạt ngàn ở Thái Nguyên đã giúp cho đời sống cô tôi ngày một tốt hơn. (Trong ảnh: Đồi chè huyện Đồng Hỷ, tỉnh thái Nguyên - Ảnh: Đỗ Tuấn)
Khách hàng của cô tôi thường xuyên là người dân quanh khu phố và khách đi đường đôi khi dừng chân ghé vào uống chén nước chè, hút điếu thuốc, ăn thanh kẹo lạc. Người dân trong khu phố, sáng ra đi tập thể dục về là đến hàng của cô tôi. Họ ngồi vào những chiếc ghế gỗ, nhiều khi khách đông là vào trong nhà, ngồi xung quanh những chiếc bàn nhỏ và ghế gỗ dài. Những vị khách quen ngày nào cũng tới quán nước chè Thái Nguyên của cô. Phải nói rằng, nước chè Thái ở quán của cô rất ngon và tín nhiệm. Bố tôi bảo: “Cô bán nước chè ở nhà mình, chỗ góc phố này từ cái hồi cô mới lấy chồng”.
Những năm trước đây, khi đất nước ta chưa bước vào thời kỳ đổi mới, tình hình kinh tế khó khăn thiếu thốn, ngay đến được uống một chén nước chè Thái Nguyên cũng không dễ dàng. Cán bộ nhà nước hàng tháng được phân phối chè gói, thứ chè ấy được nhà máy chè sản xuất theo lối công nghiệp, nên uống không đậm đà và hương thơm cũng không đặc trưng. Cán bộ cấp cao còn được phân phối chè loại 1, cán bộ tầm trung như bố tôi chỉ được phân phối chè loại 2, có khi còn loại 3 nữa. Thành thử, tôi còn bé nên không bao giờ được uống nước chè.
Góc phố Hòe Nhai - Quán Thánh
Hồi còn bao cấp ấy, chuyện có được ấm chè Thái Nguyên là điều vô cùng khó. Có lần tôi hóng nghe chuyện giữa bố tôi và cô tôi loáng thoáng hiểu rằng, chè của quán cô là chè “lậu”. Tôi hỏi bố: “Chè lậu là chè gì?”. Bố tôi giải thích: “Chè lậu là chè mua từ những người buôn lậu chè từ Thái về Hà Nội. Mà buôn được vài lạng chè hay cân chè từ Thái về vô cùng gian nan. Mấy cô mấy bà buôn lậu chè Thái thường “lén lút” đi tàu chợ từ ga Hàng Cỏ lên Thái Nguyên. Họ xuống tàu rồi thì thà thì thụt bắt mối với những người dân trên đó. Bán hàng cho nhau mà cứ mắt la mày lém. Nếu gặp quản lý thị trường thì chẳng những mất hàng mà không khéo còn bị nhốt vài ba ngày như bỡn.
Mấy cô mấy bà buôn chè lậu ấy chia cân chè ra thành nhiều gói nhỏ. Đàn bà “có lợi thế” là bụng lùm lùm như người đang mang thai. Áo quần xộc xệch. Họ giấu những gói chè ấy vào trong người rồi mua vé tàu về Hà Nội. Xuống tới ga Hàng Cỏ lấm lét mặt mày đi qua cửa soát vé. Thoát về tới nhà thì coi như “thắng rồi”.
Cô tôi mua chè của mấy cô mấy bà đó nhưng mua cũng phải tin tưởng, phải bí mật và phải hàng quen. Hàng quen là những lạng chè Tân Cương được mua ở địa chỉ đàng hoàng về chất lượng, không mua chè linh tinh. Cô tôi bảo: “Mình bán nước chè cho khách. Khách tín nhiệm nước chè của quán mình nên chè cũng phải đạt yêu cầu. Lơ mơ mua nhầm chè không đạt khách họ mắng, họ bỏ quán”.
Cũng vì thời buổi khó khăn, thế nên quán nước chè Thái với hương vị đặc trưng “hương thơm vị cốm, nước đượm sánh xanh” của vùng chè nổi tiếng Tân Cương của cô tôi thành địa điểm “thu hút” rất nhiều khách, chủ yếu là khách đàn ông, vì chỉ có đàn ông mới thích uống nước chè. Nhất là các bác cán bộ hưu trí, thường quây quần ngồi khề khà, nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế.
Cô tôi vẫn duy trì quán chè Thái Nguyên cho đến tận hôm nay
Cô tôi bảo: “Muốn đảm bảo chữ tín thì phải chọn chè ngon. Pha chè cũng phải chuẩn và có bí quyết riêng”. Tôi hỏi thêm thì được biết sáng ra cô dậy sớm đun ấm nước sôi đổ vào phích cho giữ nhiệt. Cô cho nắm chè vào chiếc ấm, lượng chè đủ để một ấm chứ không ít quá, không nhiều quá. Bỏ chè vào ấm tích rồi cô đổ nước sôi vào. Đậy kín nắp ấm tích xong thì cho ấm tích vào giành tích. Ủ đó chừng mươi phút thì cô mở nắp ấm rót một chén nước đầy rồi đậy ấm tích lại. Cô chờ thêm vài phút lại mở nắp ấm ra, lần này thì cô đổ một chén nhỏ nước đun sôi để nguội vào ấm. Hỏi cô thì cô bảo: “Cho chén nhỏ nước nguội thì chè không bị nồng và quan trọng là không bị đỏ nước. Khách tới mua nước uống rót ra chén, chén nào cũng còn xanh nước. Hương vị vẫn thơm lừng”.
Cô sau khi đã rót hết ấm nước thì pha một ấm chè mới chứ không đổ thêm nước sôi vào. Bã chè cô đổ vào chiếc thau nhôm cũ. Cô bảo: “Chè pha lại như gái ngủ trưa ấy. Người sau đến uống thật nhạt nhẽo vị, nhạt nhẽo màu”. Cô đổ bã chè đi tráng sạch ấm tích mới pha ấm mới. Thảo nào nước chè Thái ở quán của cô lúc nào cũng ngon, khách đến uống nhiều. Uống nhiều tức là cô bán được nhiều. Bán được nhiều nghĩa là gia đình cô có tiền lo liệu.
Việc bán nước chè mấy chục năm đã đem lại lợi ích cho gia đình cô. Chú rể tôi là cán bộ văn phòng ở cơ quan nhà nước nên đồng lương chẳng thấm tháp gì. Mọi thứ tiền tiêu như mua gạo, mua thức ăn, tiền học cho con, tiền mua quần áo. Rồi còn giỗ tết nữa, tất tần tật đều trông vào quán nước chè của cô. Cứ như thế mà cô tôi nuôi đủ cả nhà.
Giờ đây, cô tôi đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, con cháu cô cũng trưởng thành đi làm công chức nhà nước. Tuy nhiên, cô tôi vẫn muốn duy trì quán nước chè với thương hiệu “Chè Thái Nguyên đệ nhất danh trà”. Cô giao cho con cháu thay nhau quản lý, cô bảo: “Muốn giữ lại nét văn hóa độc đáo, thanh lịch mà dân dã rất riêng của Hà Nội, bởi đây chính là thưởng trà quần ẩm trên phố”.
thainguyen.gov.vn