Huyện Đồng Hỷ phấn đấu tăng diện tích chè lên 4.300 ha vào năm 2030
2025-04-10 18:22:00.0
Nông dân vùng chè thị trấn Sông Cầu tham gia Hội thi Hái chè giỏi tháng 10/2024
Hiện nay, Đồng Hỷ là huyện có diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập từ cây chè lớn thứ hai trong toàn tỉnh. Toàn huyện có trên 3.936 ha chè, sản lượng đạt trên 47.400 tấn, diện tích được chứng nhận VietGAP, hữu cơ đạt 620 ha, chiếm gần 18% tổng diện tích; diện tích được cấp mã vùng trồng đạt 51,58 ha, chiếm 1,3% tổng diện tích. Toàn huyện có 23 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3-4 sao. Cơ cấu giống chè có sự thay đổi mạnh mẽ, diện tích trồng chè cho năng suất, chất lượng cao được mở rộng; quy trình trồng, đầu tư thâm canh, chế biến có nhiều tiến bộ; chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì được nâng cao…
Hợp tác xã Tuyết Hương, huyện Đồng Hỷ có nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao và đạt chứng nhận OCOP 4 sao
Tuy nhiên, ngành chè Đồng Hỷ chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế; sản xuất nông hộ chiếm tỷ trọng lớn; quy mô của các hợp tác xã, doanh nghiệp còn nhỏ; việc liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với người trồng chè chưa được chặt chẽ; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến còn hạn chế…
Trước thực tế đó, huyện Đồng Hỷ đặt ra mục tiêu phát triển ngành chè theo hướng bền vững, hiện đại; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; đẩy mạnh sản xuất an toàn, hữu cơ gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè toàn huyện đạt 4.300 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 50.000 tấn. Trong đó, có 70% diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 70% diện tích được cấp mã số vùng trồng. 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè đảm bảo quy định an toàn thực phẩm. 100% doanh nghiệp, hợp tác xã có vùng nguyên liệu chè ứng dụng công nghệ số trong canh tác, quản lý chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 25 sản phẩm trà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3-5 sao. 100% sản phẩm trà được ứng dụng thương mại điện tử trên các nền tảng số.
Huyện Đồng Hỷ phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi, phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà tháng 2/2025
Để hiện thực hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra là cấp ủy, chính quyền các cấp phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên để lãnh đạo, chỉ đạo; các địa phương cần rà soát hiện trạng đất đai, lợi thế của từng vùng để xác lập, quy hoạch các vùng sản xuất chè tập trung theo tiêu chuẩn; bảo vệ tối đa diện tích chè hiện có, mở rộng quy mô sản xuất, trồng mới, trồng thay thế những diện tích già cỗi, cho năng suất thấp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến, sản xuất; quản lý, duy trì nhãn hiệu tập thể “Chè Trại Cài”, “Chè Sông Cầu”, "Chè Văn Hán” và "Trà Hích - Thái Nguyên”…; đồng thời, bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Đồng Hỷ.
thainguyen.gov.vn