Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên

 

Phân loại rác tại vùng cao: Bước tiến nhỏ, hiệu quả lớn

2025-07-26 22:31:00.0

Tại xã vùng cao Võ Nhai và khu vực lân cận, nơi rác thải sinh hoạt là bài toán nan giải do điều kiện vận chuyển, chôn lấp khó khăn, Hợp tác xã vệ sinh môi trường Phú Cường đã tiên phong thay đổi tư duy xử lý rác.

Công nhân Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Phú Cường thu gom rác hữu cơ sau khi phân loại, sơ chế từ rác thải sinh hoạt.

Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư một dây chuyền phân loại rác thải hiện đại trị giá gần 300 triệu đồng, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt cả về môi trường lẫn kinh tế. Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã (HTX) vệ sinh môi trường Phú Cường (xóm Hùng Sơn, xã Võ Nhai) phải thu gom và xử lý khoảng 15 tấn rác thải sinh hoạt của xã Võ Nhai và 6 xã vùng cao lân cận.

Với phương pháp cũ - không phân loại, rác được đưa thẳng vào lò đốt, dẫn đến hiệu quả tiêu hủy chỉ đạt khoảng 60-70%. Phần còn lại, chủ yếu là rác ẩm và khó cháy, buộc phải chôn lấp - gây ô nhiễm môi trường và tốn quỹ đất vốn đã hạn chế. Nhưng từ khi dây chuyền xử lý rác mới được đưa vào hoạt động, tình hình đã thay đổi hoàn toàn.

Giờ đây, chúng tôi xử lý triệt để được khoảng 90% lượng rác thải mỗi ngày. Phần còn lại gần như là mùn hữu cơ chứ không phải rác tồn đọng. Việc này giúp giảm đáng kể khối lượng rác phải chôn, bãi rác cũng sạch sẽ hơn trước nhiều - bà Ngô Thị Mai, Giám đốc HTX vệ sinh môi trường Phú Cường, chia sẻ.

Điểm nổi bật của dây chuyền là khả năng phân loại rác thải ngay từ đầu vào. Phần rác hữu cơ vốn chiếm tỷ lệ không nhỏ sau khi phân loại sẽ được máy nghiền nhỏ, làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ. Việc này mở ra hướng phát triển kinh tế tuần hoàn - rác không còn là gánh nặng mà trở thành nguồn tài nguyên.

Trong khi đó, rác vô cơ như: nhựa, túi nilon được tách riêng và đóng bao bán lại cho các cơ sở tái chế. Phần vỏ bao bì và rác thải không thể tái chế sẽ được công nhân cho vào lò đốt. Với dây chuyền mới, mỗi ngày, riêng lược lượng rác là nilon tái chế có thể đem về cho HTX hàng trăm nghìn đồng.

Ngoài tác động đến môi trường và kinh tế, dây chuyền xử lý rác mới còn giúp cải thiện điều kiện lao động đáng kể. Phần lớn nhân sự của HTX là lao động nữ, trước đây phải trực tiếp phân loại rác thủ công, vất vả và độc hại.

Công nhân Hợp tác xã vệ sinh môi trường Phú Cường phun chế phẩm sinh học sơ chế nguyên liệu chế biến phân hữu cơ sau khi phân loại, sơ chế từ rác thải sinh hoạt.

HTX vệ sinh môi trường Phú Cường hiện đang phụ trách thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho 7 xã thuộc huyện Võ Nhai cũ - khu vực vùng cao với địa hình khó khăn, dân cư phân tán, chi phí vận hành cao. Trong bối cảnh đó, việc một HTX quy mô nhỏ mạnh dạn đầu tư công nghệ xử lý rác là bước tiến cần được ghi nhận và tiếp sức.

Trong khi nhiều địa phương còn đang loay hoay với bài toán rác thải, thì tại vùng cao còn nhiều khó khăn như xã Võ Nhai và các xã lân cận, mô hình xử lý rác hiệu quả của HTX vệ sinh môi trường Phú Cường là một minh chứng rõ ràng: chỉ cần đầu tư đúng cách và tư duy đổi mới, rác không còn là vấn đề nan giải.


baothainguyen.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 38453

CHI CỤC CHĂN NUÔI, THÚ Y VÀ THỦY SẢN TỈNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ:Tổ 12 - Phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên