Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên

 

Tiềm năng phát triển nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

2025-01-22 15:28:00.0

Thái Nguyên có tiềm năng nuôi cá nước lạnh khoảng 10 ha trong đó nuôi cá Tầm hồ chứa là 2 ha. Với tiềm năng về diện tích mặt nước và điều kiện tự nhiên phù hợp trong những năm qua việc phát triển nuôi cá nước lạnh trên địa bản tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, đến năm 2024 diện tích đưa vào nuôi hơn 2.000 m3.

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta, được nhiều địa phương xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức).

Thái Nguyên có tiềm năng nuôi cá nước lạnh khoảng 10 ha trong đó nuôi cá Tầm hồ chứa là 2 ha. Với tiềm năng về diện tích mặt nước và điều kiện tự nhiên phù hợp trong những năm qua việc phát triển nuôi cá nước lạnh trên địa bản tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, đến năm 2024 diện tích đưa vào nuôi hơn 2.000 m3. Tiềm năng nuôi trồng thủy sản nước lạnh của tỉnh tương đối lớn, có nguồn nước lạnh chảy ra từ dãy núi Tam Đảo thuộc địa phận các xã Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên, Mỹ Yên, Cát Nê, thị trấn Quân Chu của huyện Đại Từ; và một số nguồn nước lạnh khác như Xã Phú Thượng, Dân Tiến của huyện Võ Nhai; xã Phú Đình của huyện Định Hóa và một số huyện khác trong tỉnh. Để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên nước lạnh, đưa vào sản xuất nuôi trồng thuỷ sản góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi, tạo ra sản phẩm thuỷ sản đặc sản mà ít địa phương có điều kiện làm được; sản lượng  đạt khoảng 70 tấn/năm (trong đó giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thành công dự án nuôi cá Tầm khai thác trứng thương phẩm).

                  (Ảnh 1: Cơ sở nuôi cá Tầm thương phẩm tại xã La Bằng, huyện Đại Từ)

Ngoài tận dụng tốt diện tích mặt nước vốn không thích hợp để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống, việc phát triển nuôi cá nước lạnh còn góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa. Trong đó, huyện Đại Từ và Võ Nhai đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và tập trung nhiều cơ sở sản xuất. Với điều kiện khí hậu, địa hình tương đồng Đại Từ, ở huyện phía Bắc như Định Hoá người dân cũng bắt đầu phát triển nuôi cá nước lạnh.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất trong tỉnh ngày càng tự chủ được việc sản xuất con giống cá nước lạnh giúp hạ giá thành sản phẩm, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Vấn đề thức ăn cho cá cũng đã được giải quyết, trước năm 2015 phải nhập khẩu từ các nước châu Âu thì nay doanh nghiệp trong nước tự sản xuất đáp ứng đến 95% nhu cầu thị trường. Thức ăn sản xuất trong nước chỉ từ 30 - 40 nghìn đồng/kg với hệ số chuyển đổi thức ăn từ 1,6 - 1,8. Số ít nhập khẩu thức ăn cho cá hương và cá giống. Cá nước lạnh hiện chủ yếu tiêu thụ tươi sống hoặc cấp đông mà chưa qua chế biến sâu tại các thành phố, khu du lịch như Hồ Núi Cốc, suối Mỏ Gà, huyện Võ Nhai; suối Kẹm, La Bằng Đại Từ…

Các mô hình sản xuất cá nước lạnh theo chuỗi trên địa bàn tỉnh đã giúp các cơ sở chủ động quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc nuôi cá nước lạnh còn gặp không ít khó khăn và thách thức, việc khai thác, sử dụng nguồn nước lạnh chưa hiệu quả, còn tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí, tình hình thiên tai, lũ ống, lũ quét, biến đổi khí hậu, hạn hán, nhiệt độ tăng cao cũng là những thách thức lớn tiềm ẩn nguy cơ cao đe dọa nuôi cá nước lạnh.

Chất lượng con giống cá tầm khó kiểm soát về số lượng, chất lượng. Sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún, dựa vào kinh nghiệm, thiếu ổn định. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, có hiệu quả vào sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, nước chưa cao, thiếu những vùng sản xuất thủy sản hàng hóa an toàn gắn kết với thị trường; phát sinh một số dịch bệnh như nấm, ký sinh trùng, bệnh do vi khuẩn; việc sử dụng thuốc, sản phẩm xử lý môi trường chưa đúng kỹ thuật…

Đề khuyến khích người dân tận dụng lợi thế của địa phương, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có công nghệ nuôi tuần hoàn và lựa chọn mùa vụ nuôi phù hợp thì hoàn toàn có thể biến các khó khăn thành lợi thế để vươn lên làm giàu, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số. Để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Giải pháp về tổ chức sản xuất: Các cơ sở nuôi cá nước lạnh cần chấp hành các văn bản pháp quy, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và quản lý hoạt động sản xuất giống, thức ăn, kinh doanh thuốc thú y thủy sản và quản lý chất lượng vệ sinh thuỷ sản giống, thuỷ sản nuôi, bể nuôi. Hướng dẫn, hỗ trợ việc sản xuất, có cơ chế về đất đai cho việc nuôi cá nước lạnh, khuyến khích phát triển nuôi cá Tầm với những ưu đãi thích hợp. Cần phải quy hoạch lại vùng nuôi cho phù hợp, dành ưu tiên cho phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cá Tầm trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp về giống: Thực hiện thu hút, khuyến khích, ưu đãi đầu tư các tổ chức cá nhân có năng lực đầu tư cơ sở sản xuất giống cá nước lạnh; đồng thời ưu tiên các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá nước lạnh trên địa bàn. Chính sách hỗ trợ cho đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng giống, từng bước làm chủ công nghệ sản xuất giống, tạo giống chất lượng cao, có khả năng kháng các loại bệnh. Tăng cường kiểm tra các cở sở sản xuất giống, nguồn giống nhập từ bên ngoài vào và cấp giấy chứng nhận cho những cơ sở sản xuất giống đạt yêu cầu chất lượng theo quy định.

(Ảnh 2: Cở sở sản xuất, ương dưỡng giống cá Tầm tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai)

Giải pháp về thức ăn: Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn phục vụ cho phát triển nuôi cá nước lạnh. Sử dụng đúng loại thức ăn để nâng cao chất lượng cá thịt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Quản lý tốt chất lượng con giống.

Giải pháp về bảo vệ môi trường và phòng ngừa dịch bệnh: Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ môi trường nước một cách bền vững. Với các cơ sở nuôi phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, nước sau khi sử dụng nuôi cá nước lạnh phải được qua hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra ngoài môi trường. Ngoài ra, phải thu gom, xử lý chất thải, xây dựng và phát triển các mô hình nuôi có trách nhiệm, kiểm soát kháng sinh, hoá chất, mô hình nuôi thân thiện với môi trường. Cùng với đó, quan trắc, cảnh báo môi trường để khuyến cáo người nuôi cá nước lạnh kịp thời.

Giải pháp chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Khai thác và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của thị trường; ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cần tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ để đảm bảo đầu ra ổn định.. Để đảm bảo sản phẩm nuôi được tiêu thụ hết thì cần phải coi trọng đến việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở cả hai thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực thực hiện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất giống và ương nuôi cá Tầm. Khuyến khích việc liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài trong nghiên cứu, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tranh thủ sự tài trợ của các nước và tổ chức quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về nuôi cá nước lạnh cho tỉnh.

Giải pháp về cơ chế chính sách: Thực hiện hỗ trợ về đất đai, hạ tầng, hỗ trợ về sản xuất và tín dụng theo các quy định hiện hành.

Ngoài ra, cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi cá nước lạnh. Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Đặc biệt là các giải pháp công nghệ giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả. Tăng cường truyền thông, giới thiệu các mô hình nuôi cá nước lạnh hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để nhân rộng. Giới thiệu các sản phẩm cá hồi, cá tầm sơ chế, chế biến, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh, không thể thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ, thức ăn, con giống, vật tư đầu vào và đơn vị thu mua, chế biến sản phẩm.

Tin và ảnh: Chu Huy Tuấn - phòng Thuỷ sản - Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản

Chu Huy Tuấn - phòng Thuỷ sản - Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 36623

CHI CỤC CHĂN NUÔI, THÚ Y VÀ THỦY SẢN TỈNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ:Tổ 12 - Phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên