Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên

 

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ về thuế

Mon May 12 14:41:00 GMT+07:00 2025

Để hệ thống thuế công bằng, minh bạch và dễ thực thi, góp ý Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị, cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ về thuế.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 4 Chương và 21 Điều. Theo Dự thảo Luật (sửa đổi), nhóm nội dung sửa đổi bổ sung của dự án Luật tập trung vào các quy định, bao gồm: quy định liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế; quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế, được trừ và không được trừ khi tính thuế; quy định về phương pháp tính thuế và các quy định điều chỉnh thuế suất đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ phù hợp với yêu cầu, bối cảnh mới.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 4 Chương và 21 Điều - Ảnh minh họa

Về mức thuế suất, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung quy định về mức thuế suất đối với nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Thống nhất áp dụng mức thuế suất 15%/năm đối với các doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm; 17%/năm đối với các doanh nghiệp có doanh thu từ 3 tỷ đồng dưới 50 tỷ đồng.

Đánh giá cao những đề xuất sửa đổi, bổ sung của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, để hệ thống thuế công bằng, minh bạch và dễ thực thi, một số ý kiến đề nghị, cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ về thuế.

Trong văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội; Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá cao nhiều điểm tích cực trong Dự thảo Luật như: cho phép bù trừ lỗ giữa các hoạt động kinh doanh (trừ chuyển nhượng bất động sản...), tiếp tục ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội, và công nhận các khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học… là chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực đã nêu, HoREA cho rằng, vẫn còn một số điểm bất cập, đặc biệt là cách xác định quy mô doanh nghiệp và các mức thuế suất tương ứng.

Để hệ thống thuế công bằng, minh bạch và dễ thực thi, một số ý kiến đề nghị, cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ về thuế - Ảnh minh họa
Cụ thể, HoREA đề xuất, áp dụng thuế suất 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ có doanh thu không quá 10 tỷ đồng; 17% cho doanh nghiệp nhỏ (doanh thu không quá 100 tỷ đồng); và 19% cho doanh nghiệp vừa (doanh thu không quá 300 tỷ đồng). Bởi, việc phân loại này giúp tránh tình trạng bất công giữa các doanh nghiệp có cùng quy mô nhưng khác lĩnh vực – điều đang tồn tại trong Dự thảo hiện nay khi chỉ quy định thuế suất 15% cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng.

Theo HoREA, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp khoảng 40% GDP, 30% thu ngân sách và sử dụng hơn 50% lao động. Việc ban hành chính sách thuế hợp lý không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, mà còn tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế bền vững.

“Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là cơ hội để luật hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách rõ ràng, thực chất, thay vì chỉ tồn tại dưới dạng khung định hướng như hiện nay. Một hệ thống thuế công bằng, minh bạch và dễ thực thi sẽ góp phần tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Do vậy Hiệp hội đề xuất mức “thuế suất 15%” thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với “doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 10 tỷ đồng” để cụ thể hóa chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cả “doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng” và cả “doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ”, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật”, HoREA khẳng định.

Đồng quan điểm, tham gia góp ý Dự thảo Luật này, một số ý kiến cũng cho hay, việc thiết kế chính sách ưu đãi thuế cần thay đổi theo hướng minh bạch, có thể đo lường và dựa trên kết quả thực tế, thay vì chỉ xét đến các yếu tố đầu vào. Khi ưu đãi thuế không gắn liền với hiệu quả hoạt động thực tế, Nhà nước có thể đang vô tình hỗ trợ những doanh nghiệp kém hiệu quả, thiếu đổi mới sáng tạo hoặc không thực sự đóng góp vào nền kinh tế, trong khi các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả lại bị bỏ qua chỉ vì không đáp ứng một số tiêu chí hình thức.

Nếu không có các cải cách mang tính hệ thống, chính sách ưu đãi thuế có thể trở thành một khoản chi tiêu thuế không kiểm soát được, làm suy giảm nguồn thu ngân sách trong khi không mang lại hiệu quả tương xứng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp mà còn làm giảm dư địa tài khóa cho các chính sách kinh tế - xã hội quan trọng khác.

Ngược lại, nếu thiết kế chính sách theo hướng ưu đãi có điều kiện và gắn với kết quả thực tế, Nhà nước không chỉ đảm bảo sự minh bạch trong chính sách thuế mà còn tối đa hóa lợi ích kinh tế từ các khoản ưu đãi này, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo nhiều việc làm có giá trị cao và đóng góp nhiều hơn vào ngân sách và tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Được biết, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024. Và theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, hôm nay, 12/5, Quốc hội sẽ nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, thảo luận của các đại biểu Quốc hội và giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu từ phía cơ quan trình Dự thảo Luật (sửa đổi).


diendandoanhnghiep.vn

VIDEO

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 37290

CHI CỤC CHĂN NUÔI, THÚ Y VÀ THỦY SẢN TỈNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ:Tổ 12 - Phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên