Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: Nâng tầm công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
2025-05-12 14:39:00.0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Huế cho hay, dù phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này chỉ tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp 2013 nhưng đó đều là những nội dung cốt lõi, mang tính quyết định trong việc triển khai chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ thực thi công vụ.
Vì vậy, các Đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao với việc sửa đổi Hiến pháp lần này.
“Khi sửa đổi những nội dung trọng tâm, thể hiện được tính đột phá, tôi kỳ vọng sau sửa đổi được thông qua sẽ nhanh chóng được triển khai và áp dụng vào thực tiễn”, Đại biểu nhấn mạnh.
Cho ý kiến các nội dung mới liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu khẳng định, lần sửa đổi này đã nâng tầm MTTQ Việt Nam đối với công tác giám sát, phản biện chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và những văn bản pháp quy liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Đại biểu khẳng định, thời gian qua, MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền…
Tuy nhiên, Đại biểu kỳ vọng rằng, sau khi Hiến pháp được sửa đổi và có cơ chế phù hợp, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình, đặc biệt trong việc tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cũng quan tâm về nội dung này, Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) lưu ý, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, bổ sung theo hướng khẳng định MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…
Theo Đại biểu, việc xác định MTTQ Việt Nam là “một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” đã thể chế hóa rõ hơn nội dung Cương lĩnh chính trị năm 2011 và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Cương lĩnh đã khẳng định “MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”. Văn kiện Đại hội XIII cũng nêu rõ phương thức: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”.
Như vậy, theo Đại biểu, quy định mới này không chỉ khẳng định rõ địa vị pháp lý của MTTQ Việt Nam là một trong ba bộ phận cấu thành hệ thống chính trị; mà còn nhấn mạnh vai trò trung tâm, liên kết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
“Đây là sự khẳng định mạnh mẽ về vai trò rất quan trọng của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; chăm lo đời sống đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức công dân và thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân”, Đại biểu nói.
Nhìn toàn diện, theo Đại biểu, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9 và Điều 84 của Hiến pháp năm 2013 đã nâng tầm vị thế, vai trò của đối với MTTQ Việt Nam, với công tác giám sát, phản biện trong quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và những văn bản pháp quy liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận thấy, so với Hiến pháp năm 2013, nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Nghị quyết cho thấy vai trò của MTTQ Việt Nam quan trọng hơn, hàm ý bổ sung những nhiệm vụ mới nặng nề hơn đối với MTTQ Việt Nam.
Theo Đại biểu, với vai trò và nhiệm vụ được nhấn mạnh hơn, cần đặt ra vấn đề làm sao để tổ chức bộ máy từ Đảng tới chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải gần dân, sát dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn.
“Làm sao để thực hiện được mục tiêu này? Làm sao để MTTQ Việt Nam tập hợp được nhiều quần chúng nhân dân hơn, mở rộng đối tượng tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc?”, Đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu vấn đề.
Gợi mở về giải pháp, Đại biểu cho rằng cần tạo điều kiện về tổ chức bộ máy để MTTQ Việt Nam thiết lập, mở rộng mối liên hệ mật thiết với các tầng lớp quần chúng nhân dân và đối tượng, tổ chức nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cần lựa chọn cán bộ làm công tác mặt trận bảo đảm thực hiện được vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam.
baophapluat.vn